HỌC ONLINE - GIẢI PHÁP TẠM THỜI HAY XU HƯỚNG TẤT YẾU

Dưới sự tác động của dịch bệnh covid-19, hầu hết các giảng viên, nhà trường, trung tâm đã làm quen với việc số hoá bài giảng, dạy học qua internet để tránh làm gián đoạn kiến thức của học sinh. Có thể nói, đây là giải pháp tối ưu nhất để đối phó với dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo được chỉ tiêu kiến thức.

Mặc dù học online đem lại nhiều lợi ích và sự thuận tiện cho người dùng, tuy nhiên vẫn có một số ý kiến trái chiều khi áp dụng vào nhà trường. Nhất là khi Hải Phòng cho dừng học online tại các trường tiểu học, nó lại khiến nhiều người trăn trở.

Cụ thể, học online sẽ phù hợp hơn với học sinh lớn hơn và kém hiệu quả với các em tiểu học trở xuống. Các em ở cấp hai, cấp ba có khả năng thích ứng nhanh hơn với việc sử dụng công nghệ và có ý thức tập trung học cao hơn. Việc học online sẽ hiệu quả hơn khi học sinh có sự chuẩn bị bài trước, chủ động tương tác trong quá trình học với thầy cô. 

Còn với độ tuổi nhỏ hơn như các em tiểu học và thấp hơn, yêu cầu các em tập trung trực diện là khá khó khăn do độ tuổi còn nhỏ, dễ bị phân tán. Trong độ tuổi từ 5-10, các em vẫn chưa thể chủ động được trong việc tự chuẩn bị bài giảng và chủ động để tự học một mình ở nhà. Trong quá trình gặp khi gặp sự cố mạng, nhiều em sẽ không biết cách để xử lý.

Học online cũng hiệu quả hơn với các em có khả năng tự học cao, chủ động trong quản lý thời gian. Đối với những em có ý thức, các em có thể lên mạng tìm tòi tài liệu để mở rộng kiến thức. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi sự xao nhãng, mất tập trung nghe giảng hay ít tích cực tham gia thảo luận. Khi thấy chán, chúng có thể lên các trang mạng khác mà cha mẹ và thầy cô không thể kiểm soát được.

Hơn nữa, chất lượng học online còn phụ thuộc vào chất lượng mạng và không gian ở nhà của trẻ. Việc học sẽ hiệu quả hơn với môi trường yên tĩnh và chất lượng mạng tốt. Khi lượng người truy cập đông, tốc độ đường truyền sẽ bị giảm, có nhiều em sẽ bị bật ra khỏi lớp học và cuối buổi học mới vào lại được. Việc này cũng khiến giáo viên bị ảnh hưởng khi quản lý học sinh ra vào lớp cũng như chất lượng bài giảng. 

Học online nhiều cũng có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ. Ngồi lâu trước màn hình máy tính có thể khiến các em bị mỏi mắt, vẹo cột sống, đau nhức vai gáy. Khi phải đối mặt với lịch học dày đặc cũng khiến các em bị buồn chán, mất cân bằng trong cuộc sống. Số lượng các em nghiện mạng, lên youtube, chat với bạn bè ngày càng nhiều cũng làm các em bị mất tập trung khi học online.

Có thể nói, dạy học trực tuyến là xu thế tất yếu trong công cuộc chuyển đổi số nhưng cũng không hề dễ dàng để triển khai trên toàn bộ các nhóm, cấp độ và trên toàn bộ hệ thống. Chính vì thế, để đạt được hiệu quả cao, các thầy cô, nhà trường, cha mẹ phụ huynh cũng cần trang bị kỹ năng và kiến thức đầy đủ để hỗ trợ các em học sinh.

Đã tồn tại trên thế giới từ nhiều thập kỷ, nhưng những năm gần đây, học online mới thật sự phát triển ở Việt Nam đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Không thể phủ nhận được những lợi ích mà học online mang lại như: học tập mọi lúc mọi nơi, chủ động trong việc học, số hoá bài giảng, linh động trong việc chọn lựa cấp độ học,...

Bài viết cùng danh mục